Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
161 người đã bình chọn
2498 người đang online

Thị trường cuối năm: Hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn

Đăng ngày 20 - 01 - 2014
100%

Như thường lệ, những ngày giáp Tết Nguyên đán, không khí mua sắm tại các điểm kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh ta trở nên nhộn nhịp. Đặc biệt, với sự có mặt của các trung tâm bán lẻ lớn, hiện đại như Siêu thị BigC, Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Điện máy HC, người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội để mua sắm, kết hợp với tham quan, giải trí.

Qua khảo sát tại một số đơn vị kinh doanh thương mại lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đã vào cuộc tích cực, chủ động nâng cao trách nhiệm xã hội của mình để tham gia dự trữ hàng hóa và cam kết bình ổn giá. Tìm hiểu tại Siêu thị Co.op Mart (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa), được biết: Trên cơ sở dự báo sức mua của khách hàng sẽ tăng khoảng 250% so với ngày thường, do đó, siêu thị đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ tháng 10-2013, với tổng số tiền mua hàng dự trữ gần 40 tỷ đồng. Hàng hóa dự trữ tập trung vào 5 nhóm chính là: thực phẩm tươi sống; thực phẩm đông lạnh; hàng tiêu dùng gia đình; hàng mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp và hàng may mặc. Trong số đó, các mặt hàng thực phẩm chiếm hơn 60% và được kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Điều đáng nói là trong số 25.000 mặt hàng hiện có tại Siêu thị Co.op Mart, có tới hơn 95% là mặt hàng được sản xuất trong nước. Bên cạnh công tác chuẩn bị hàng hóa, siêu thị cũng có kế hoạch tăng khoảng 30% lực lượng lao động thời vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng trong dịp Tết.

Còn đối với Siêu thị Điện máy HC (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa), trên cơ sở phân tích tình hình giá cả các mặt hàng tăng mạnh, nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu, do đó siêu thị đã tăng cường hợp tác với các hãng sản xuất điện máy nổi tiếng trên thế giới để “lội ngược” xu hướng tăng giá. Theo đó, Siêu thị Điện máy HC tiếp tục giảm giá tối đa hàng nghìn sản phẩm với mong muốn đem lại cho khách hàng một mùa mua sắm tiết kiệm và tiện nghi đón Tết. Ngoài ra, đến với HC vào những ngày này, khách hàng còn được tận hưởng không gian được trang hoàng đẹp mắt, đậm không khí Tết cổ truyền dân tộc.

Theo đánh giá của Sở Công thương, đến thời điểm này, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn bị chu đáo. Các mặt hàng có nguồn cung trong tỉnh, như: lương thực, thực phẩm, đường, bia, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn. Trong đó, một số sản phẩm sản xuất trên địa bàn có nguồn cung cao, dự kiến sẽ cung cấp cả cho thị trường ngoài tỉnh, như: lương thực (sản lượng lương thực toàn tỉnh ước đạt 1.650.000 tấn); thịt lợn (sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt 133.531 tấn), thịt bò (14.428 tấn), thịt trâu (13.421 tấn), thịt gia cầm (33.981 tấn), trứng (80.000.000 quả), thủy sản (123.800 tấn), đường (212.900 tấn).

Đối với một số mặt hàng thiết yếu, nguồn cung trong tỉnh chưa đáp ứng được mà chủ yếu được cung ứng từ ngoài tỉnh và nhập khẩu, như: rau, đậu, bánh, mứt, kẹo; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, hải sản (đóng hộp); bia, rượu, nước giải khát cao cấp; thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi cao cấp, phân bón (UREA, kali), khí dầu mỏ hóa lỏng (gas Ptrolimex)... đã được các nhà cung cấp, phân phối trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Thống kê từ 15 doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty CP Lương thực Thanh Hóa, Công ty Xăng dầu Thanh Hóa; các siêu thị, trung tâm thương mại... thì tổng số tiền mua hàng dự trữ của các doanh nghiệp là hơn 2.500 tỷ đồng, cao hơn năm 2013 khoảng 800 tỷ đồng.

Qua khảo sát, đánh giá thực trạng cung cầu, phân phối các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá của Chính phủ và UBND tỉnh, Sở Công thương đã xác định các nhóm, mặt hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn trong các tháng cuối năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán 2014, bao gồm: Gạo tẻ, gạo nếp chất lượng cao; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, hải sản (đóng hộp); dầu ăn; sữa, bánh mứt kẹo; bia, nước giải khát; rau đậu, củ, quả; bột mỳ, mỳ chính; khí dầu mỏ hóa lỏng.

Bên cạnh đó, để công tác bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 đạt hiệu quả, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Tài chính và một số ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thương mại về việc thực hiện các quy định quản lý giá như đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Trước hết là kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: Y tế, giáo dục, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

<

Tin mới nhất

Tập huấn chuyên sâu về thương mại điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh(02/11/2023 10:41 SA)

Sở Công Thương Thanh Hóa phát động phong trào chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa với sự...(01/11/2023 2:54 CH)

Tập huấn chuyên sâu về thương mại điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức(01/11/2023 2:41 CH)

Tập huấn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm(03/08/2023 9:21 CH)

Thanh Hóa: Phát động phong trào chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa(25/07/2023 11:16 SA)

Sở Công Thương Thanh Hoá tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam(12/07/2023 9:18 SA)

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm tại kỳ điều hành ngày 11/5(16/05/2023 8:58 SA)

Thông tin điều hành xăng dầu ngày 21/3/2023(29/03/2023 3:36 CH)

°