Kiến nghị tháo gỡ khó khăn về thủ tục nhập khẩu phế liệu

(Chinhphu.vn) - Ông Phạm Đăng Trưng (TP. Hồ Chí Minh) phản ánh về một số khó khăn khi nhập khẩu phế liệu từ các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT và Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT.

Theo quy định, khi thu mua phế liệu từ các doanh nghiệp chế xuất đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân ngoài việc thực hiện các thủ tục và xuất nhập khẩu trong lĩnh vực hải quan, còn phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

Theo Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15/11/2012 của liên Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu chỉ cấp cho thương nhân có cơ sở sản xuất.

Theo Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT về phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, có 44 loại tên phế liệu tương ứng 34 ngành nghề sản xuất. Mỗi doanh nghiệp trong quá trình sản xuất có thể thải ra nhiều loại phế thải, tương ứng với nhiều ngành nghề sản xuất.

Như vậy, theo hướng dẫn tại các Thông tư nêu trên, doanh nghiệp có phế liệu phải ký nhiều hợp đồng bán phế liệu tương ứng với từng ngành nghề sản xuất cho thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, mặc dù có loại phế liệu số lượng không nhiều (chỉ vài trăm kg). Mỗi hợp đồng như vậy lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục hải quan.

Về phương diện bảo vệ môi trường, ông Trưng cho rằng, các loại phế liệu phát sinh từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong khu chế xuất và doanh nghiệp ngoài khu chế xuất cũng được quản lý như nhau.

Vì vậy, ông Trưng đề xuất không nên yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải xuất trình Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu khi làm thủ tục nhập khẩu phế liệu, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất như khi làm thủ tục nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài.

Cổng TTĐT Chính phủ đã chuyển đề nghị trên của ông Trưng đến cơ quan chức năng xem xét, trả lời. Ngoài ra, một số thắc mắc về việc vay vốn ODA; việc kê khai các chi phí vật tư, vật liệu tại cơ quan hải quan; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... cũng được chuyển đến cơ quan chức năng để được giải đáp.

Một số vướng mắc của doanh nghiệp

Ông Tô Tuấn An (TP.Hà Nội, email: acavietnam.jsc@...) phản ánh, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển ACA Việt Nam, nơi ông làm việc đang thi công một công trình xây dựng cho chủ đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Khu công nghiệp Phúc Điền, tỉnh Hải Dương. Công ty sử dụng hoàn toàn vật liệu trong nước để thi công công trình.

Ông An hỏi, trong trường hợp này, Công ty ông có phải kê khai các chi phí vật tư, vật liệu tại cơ quan hải quan không? Công ty có bị áp mức thuế xuất khẩu đối với các loại vật tư, vật liệu này không?

Trường hợp ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn được cử làm đại diện Công ty để ký hợp đồng góp vốn đầu tư phát triển hạ tầng Khu dân cư Trung tâm Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 135.

Theo nội dung hợp đồng, bên góp vốn được chuyển giao nền có hạ tầng tại khu đất đầu tư. Ông Cường muốn được biết, việc UBND huyện Bến Lức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đại diện Công ty khi Chủ đầu tư có tờ trình, để Công ty tự xây nhà, thì có đúng quy định của pháp luật không?

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Dương, hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hướng Dương (tỉnh Quảng Ninh, email:huongduongtinhbuon@...), UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định giao đất để xây dựng Trường mầm non tư thục Hướng Dương tại xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bà Dương đề nghị cơ quan chức năng cho biết, việc xây dựng trường học tư thục ở vùng nông thôn như trường mầm non của bà có thuộc Dự án được vay vốn ODA không?

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ thông tin đến bạn đọc khi nhận được phản hồi của cơ quan chức năng.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân, Báo: chinhphu.vn