Đề xuất trên được Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ đặc thù hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là người dân tộc thiểu số thực hiện sinh con đúng chính sách dân số, trừ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cụ thể, theo dự thảo, sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đồng chi trả trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên.
Theo tính toán của Bộ Y tế, tổng số phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ toàn bộ 100% chi phí trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập từ tuyến huyện trở lên sẽ là khoảng 1,2 triệu người. Như vậy, tổng số tiền đề xuất hỗ trợ khám nội trú cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số mỗi năm ước tính khoảng 6,9 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp phải điều trị nội trú hoặc sinh con tại các cơ sở y tế công lập từ trạm y tế xã trở lên. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 3% mức lương tháng cơ bản/người bệnh/ngày. Theo Bộ Y tế, số tiền ăn hỗ trợ ước tính sẽ gần 11,8 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực và ngược lại cho phụ nữ đi khám chữa bệnh, khám thai (không quá 4 lần khám/1 lần mang thai đối với thai phụ có sức khỏe bình thường), sinh con. Mức thanh toán bằng 0,2 lít xăng/km theo khoảng cách vận chuyển và giá xăng tại thời điểm sử dụng và các chi phí cầu, phà, phí đường bộ khác (nếu có) nếu sử dụng phương tiện của cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước. Nếu có nhiều hơn một người bệnh cùng được vận chuyển trên một phương tiện thì mức thanh toán chỉ được tính như đối với vận chuyển một người bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân tự túc phương tiện thì mức thanh toán là 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách đi lại và giá xăng trong thực tế.
Bộ Y tế tính toán, mỗi năm sẽ chi gần 33,4 tỷ đồng cho việc hỗ trợ chi phí đi lại này.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ này được cân đối trong nguồn kinh phí do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi bảo đảm xã hội theo phân cấp ngân sách hiện hành. Ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các địa phương có ngân sách khó khăn.
Theo Bộ Y tế, tình trạng sức khỏe dân cư giữa các vùng miền ở nước ta hiện đang có sự chênh lệch đáng kể, đặc biệt là đối với sức khỏe phụ nữ. Tỷ suất tử vong bà mẹ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên năm 2009 cao gấp 3 lần so với các tỉnh đồng bằng. Số liệu điều tra của Bộ Y tế tại 14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cho thấy hiện vẫn còn có khoảng 10% số phụ nữ không đi khám thai lần nào; 23,7% số bà mẹ không uống viên sắt trong lần mang thai gần đây; 19,8% số phụ nữ sinh con tại nhà và 12,8% số phụ nữ sinh con được đỡ bởi những người không có chuyên môn về y tế và chỉ khoảng 30% số trường hợp sinh con có sử dụng gói đẻ sạch…
Số liệu trên phản ánh khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ tại những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn hiện đang còn nhiều bất cập cần khắc phục.
Đáng chú ý, cho đến nay vẫn chưa có những chính sách ưu đãi riêng biệt dành cho nhóm phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số cho dù họ đang phải đối mặt với những rào cản trong chăm sóc sức khỏe cùng với các chỉ số sức khỏe thấp hơn nhiều so với mong đợi. Họ chưa được hưởng các chế độ hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với các cơ sở y tế gần nhất tại tuyến xã, liên xã. Với các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên họ mới chỉ được hưởng các chế độ hỗ trợ cho bản thân, chưa có chế độ hỗ trợ cho người thân đi cùng trong khi điều kiện chi trả của họ thường rất eo hẹp...
Vì vậy, cần thiết phải ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù giúp tăng cường hơn nữa cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng khó khăn.
|
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: Thanh Hoài, Báo: chinhphu.vn