Chống buôn lậu thuốc lá: Chưa hiệu quả?

Rất nhiều giải pháp, phương án, chuyên đề được các cơ quan chức năng xây dựng nhằm chống nạn thuốc lá nhập lậu. Tuy nhiên việc thực thi vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí ở nhiều địa phương, phương án vẫn chỉ “nằm” trên giấy.

Càng chống, càng tăng

Thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho thấy, từ năm 2007 đến nay, lượng thuốc lá nhập lậu không ngừng gia tăng chiếm tới 18- 22% thị phần tiêu thụ thuốc lá nội địa. Nếu như năm 2007, có khoảng 630 triệu bao nhập lậu vào nước ta thì đến năm 2012 đã là trên 900 triệu bao.

Hiện thị trường Việt Nam có hơn 100 nhãn hiệu thuốc lá nhập lậu, trong đó hai nhãn hiệu Jet và Hero chiếm tới 90%. Năm 2013, ước tính khoảng 930 triệu bao thuốc lá nhập lậu thì có tới 303 triệu bao nhãn hiệu Jet; 429 triệu bao nhãn hiệu Hero; khoảng 35 triệu bao nhãn hiệu Esse, còn lại là các nhãn hiệu khác.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2009/NĐ-CP đưa thuốc lá nhập lậu vào danh mục mặt hàng cấm. Thông tư liên bộ số 36 quy định việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ từ 1.500 đến dưới 4.500 bao thuốc lá nhập lậu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Từ 4.500 đến dưới 13.500 bao bị phạt tù 3-7 năm. Từ 13.500 bao trở lên phạt tù 7-15 năm.

Theo nhận định của VTA, mặc dù bị đưa vào danh mục mặt hàng cấm và xử lý vi phạm hình sự nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn không giảm. Để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đầu nậu đối phó bằng cách xé lẻ lô hàng, thuê dân cư khu vực biên giới vận chuyển bằng nhiều hình thức vào nội địa.

Được phép của Ban chỉ đạo 127/TW, Bộ Tài chính, VAT đã đóng góp một phần kinh phí để hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Từ năm 2007 đến tháng 8/2013, VTA đã hỗ trợ 2 triệu USD, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp (1.000đồng/bao), lực lượng chức năng và VTA kiến nghị tiếp tục nâng mức hỗ trợ lên 3.000 đồng/bao.

“Trọng điểm” trên giấy

Ông Phạm Kiến Nghiệp – Chủ tịch VTA - cho rằng: Dưới sự chỉ đạo tập trung của Ban chỉ đạo 127/TW, các lực lượng chức năng quản lý nhà nước như: Biên phòng, hải quan, cảnh sát, quản lý thị trường… đã triệt phá nhiều tổ chức buôn lậu. Tuy nhiên, kết quả còn ở mức độ khiêm tốn, trung bình mỗi năm bắt giữ và tiêu hủy… hơn 1% lượng thuốc lá nhập lậu.

Lý giải tình trạng 99% lượng thuốc lá nhập lậu vẫn “lọt” qua biên giới và công khai tiêu thụ trên thị trường. Nhiều cơ quan chức năng phân tích, lợi nhuận từ buôn thuốc lá ngoại lớn hơn gần 30 lần so với kinh doanh thuốc lá hợp pháp. Theo ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận nhân dân đối với một số loại thuốc lá điếu ngoại nhập lậu còn cao, do các mặt hàng này có giá phù hợp và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Phạm Kiến Nghiệp nhận định, nguyên nhân chống buôn lậu thuốc lá nhiều năm qua không hiệu quả còn nằm ở chỗ công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này chưa thường xuyên, đồng bộ, chế tài đã có nhiều phương án, chuyên đề đã được lực lượng chức năng đưa ra, nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng cần đưa chống buôn lậu thuốc lá vào trọng điểm. Bộ Công Thương, Bộ Công an… đều đã có chỉ đạo quyết liệt nhưng cac cấp, ngành ở địa phương vẫn chưa xác định đấy là mặt hàng trọng điểm nên chưa phát huy cao sức mạnh tổng hợp, thậm chí với nhiều địa phương, phương án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Nguồn: Thúy Hà, baocongthuong.com.vn