Lễ kỷ niệm "Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái 29 tháng 11 hàng năm"

Ngày 28/11/2014, tại trụ sở Bộ Công Thương, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức Lễ kỷ niệm "Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11". Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ dạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.

Hiện nay hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, quy định pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng… Không những thế, vẫn còn không ít tình trạng bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra. Một trong những mục tiêu chính của “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp và người dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP), những năm qua việc sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi trình độ phát triển của công nghệ cao, hiện đại với tốc độ nhanh đã gây thiệt hại lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển doanh nghiệp nói riêng cũng như của nền kinh tế đất nước nói chung. Tình hình hàng giả, hàng nhái hiện nay hết sức nghiêm trọng, rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, nông thôn đến các khu đô thị, các khu chợ, siêu thị sầm uất cũng như trên các vỉa hè, lòng đường ở thành phố đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng làm giả cũng đa dạng từ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đến các hàng điện tử, điện lạnh, hàng may mặc, vật liệu xây dựng, mũ bảo hiểm v.v... Sản phẩm nào nếu làm giả có lợi nhuận cao thì lập tức sẽ có hàng giả ngay trên thị trường, tốc độ làm giả ngày càng nhanh và rẻ, thủ đoạn tinh vi hơn nhiều so với trước đây. Một số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đặt hàng rồi gắn nhãn mác Việt Nam và nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của các nước đem về Việt Nam tiêu thụ, nguyên vật liệu làm ra sản phẩm này đều do nước ngoài cung cấp, nhưng lại ghi nhãn hiệu "Made in Việt Nam" hoặc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định; cụ thể vừa qua theo công bố của các lực lượng chức năng có hàng chục ngàn công tơ điện, ăng ten tivi, đèn sạc ắc quy, ổ cắm điện, hàng trăm tấn hợp chất xử lý nước … do Trung Quốc sản xuất giả hàng Việt Nam; thậm chí ổ cắm điện giả còn được dán tem chống giả của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an Việt Nam, cả hàng và tem đều giả. Điều đó cho thấy công tác chống hàng giả, hàng nhái là một mặt trận thực sự gian nan.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tính đến hết tháng 10 năm 2014, lực lượng quản lý thị trường của cả nước đã thực hiện gần 120.000 lượt kiểm tra (tăng 10.000 lượt so với cùng kỳ năm trước), trong đó đã xử lý gần 64.000 vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ; xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tăng 21%; trị giá hàng tịch thu chưa bán khoảng 140 tỷ đồng; Trị giá hàng tiêu hủy khoảng 40 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2013.

Tại buổi Lễ, nhiều đại biểu, đại diện của các hiệp hội ngành hàng và đại diện doanh nghiệp cho rằng, để có một giải pháp căn cơ và lâu dài cần có sự đồng bộ từ cơ chế chính sách, lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Bên cạnh đó, muốn chống hàng giả, hàng nhái, bản thân doanh nghiệp cần xây dựng được một hệ thống phân phối tốt và người đứng đầu doanh nghiệp phải trực tiếp quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp...

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

 

            Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để thành công và có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái thời gian tới cần phải đổi mới, cải tiến cách làm; phải làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ; nơi nào để xảy ra buôn lậu, hàng giả, hàng nhái người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389. Cụ thể đó là: phải dựa vào dân, vào pháp luật và cả hệ thống chính trị để phát huy tổng lực các lực lượng, phát huy sức mạnh của toàn dân trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái; cần có sự phối kết hợp chặt chẽ và hiệu quả của 6 lực lượng chủ công là công an, quản lý thị trường , biên phòng, thuế, cảnh sát biển, hải quan trong thực thi nhiệm vụ; về phương pháp thực hiện, cần đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục vào các “ổ” hàng giả, hàng nhái; bên cạnh đó cần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của hàng nội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại nói chung và phòng chống hàng giả nói riêng; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp và người dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ tối đa cho người tiêu dùng, lên án mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân vi phạm v. v…Cùng với đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.