Phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số
Sáng 21/11, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT trong thời đại công nghệ số tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương thông tin: Nhận thức vai trò của TMĐT, tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển TMĐT ổn định và bền vững. Tốc độ tăng trưởng TMĐT bình quân của tỉnh đạt khoảng 25%. Hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT cũng được quan tâm, phát triển với 361 máy ATM; gần 4.000 máy POS với 3.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ.
Hạ tầng công nghệ thông tin hiện có 9.503 trạm BTS. Hạ tầng logistics cũng phát triển mạnh với các doanh nghiệp lớn: VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, J&T Express...
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Đức Lương khai mạc hội nghị.
Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh đang tận dụng một cách hiệu quả các công cụ hỗ trợ của công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh để tối ưu hóa hiệu suất và chi phí nhân công. Chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) năm 2023 của tỉnh đạt 26 điểm, đứng thứ 21 trên toàn quốc.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20 - 25%, TMĐT đang là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2024 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 25 tỷ USD; trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. |
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, TMĐT ở Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa nói riêng hiện đang gặp không ít những khó khăn, thách thức như: việc bảo đảm nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến; đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường...
“Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ TMĐT cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước; kỹ năng ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền về ứng dụng TMĐT cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT; tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Đức Lương, nhấn mạnh.
Báo cáo viên đến từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trình bày tổng quan về TMĐT Việt Nam và Chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT và kinh tế số ở Việt Nam.
Tại hội nghị, cán bộ quản lý Nhà nước, đại diện trường học, doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP... đã được báo cáo viên đến từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cung cấp những thông tin hữu ích và làm rõ hơn về các nội dung: Tổng quan về TMĐT Việt Nam và Chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT và Kinh tế số ở Việt Nam; giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số thông qua giao kết hợp đồng điện tử an toàn và chữ ký số từ xa.
Đại diện Vinaphone truyền đạt tới hội nghị giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số thông qua giao kết hợp đồng điện tử an toàn và chữ ký số từ xa.
Các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cũng đã giới thiệu, hướng dẫn cho học viên các bước và cách thức chuẩn bị livestream bán hàng trên một số nền tảng TMĐT phổ biến; luyện giọng và các kỹ năng cần thiết cho thực hiện livetream; cách thức tiếp cận khách hàng trên livetream và xây dựng chiến lược livetream bán hàng...
Chuyên gia TMĐT giới thiệu, hướng dẫn các bước chuẩn bị, cách thức chuẩn bị livestream bán hàng trên một số nền tảng TMĐT phổ biến.
Đặc biệt, các học viên đã được thực hành trực tiếp tổ chức livestream để bán các sản phẩm trên các sàn TMĐT như TikTok, Facebook...
Đại diện các doanh nghiệp được thực hành trực tiếp tổ chức livestream để bán các sản phẩm trên các sàn TMĐT.
Thông qua hội nghị góp phần nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước để tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, tạo cơ hội định hướng giúp doanh nghiệp lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát triển các ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh; chủ động học hỏi, nắm bắt xu hướng công nghệ, trau dồi các kỹ năng bán hàng trên không gian mạng, cải thiện trải nghiệm người tiêu dùng, từ đó thích ứng và khai thác tốt loại hình kinh doanh trên TMĐT.
Nguồn Báo Thanh Hóa điện tử