CôngThương - Tràn lan phân bón giả, kém chất lượng
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian qua tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tổ nước ngoài.
Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 5.000 vụ, xử lý 1.390 vụ với tổng số tiền phạt hơn 17 tỷ đồng; tịch thu 917 tấn phân bón các loại; chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an khởi tố vụ kinh doanh 36 tấn phân bón giả…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: Muốn quản lý thị trường phân bón cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý gồm lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, Hải quan… tại các địa phương. Thời gian tới, cơ quan quản lý cần thực hiện các giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến chất lượng phân bón, đưa phân bón vào sản phẩm kinh doanh có điều kiện, tăng cường kiểm tra- kiểm soát thị trường…
|
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, đối tượng vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng rất đa dạng gồm DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, tư nhân, tư thương… với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Chẳng hạn tại ĐBSCL và một số nơi khác, nhiều đại lý kinh doanh phân bón đều có trang bị máy trộn bê tông và một số phương tiện pha trộn phân bón tại nhà. Nhiều đại lý luồn phân bón giả, kém chất lượng vào bán ngay trong đại lý của mình, tỏ ra rất hợp pháp…
Địa bàn tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa như miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Đơn cử như Công ty DV TP.HCM thuê một quán cà phê ở Tiền Giang để giới thiệu phân bón, nông dân mua về bón cho hoa khiến hơn 5.000 giỏ hoa và hoa màu khác bị chết hết. Công ty CP Quốc tế Động Trung bán cho nông dân xã Gia Hiệp, Di Linh, Lâm Đồng 140 tấn phân bón, sau 2 tuần bón cà phê, ngô của nông dân chết dần… Thực trạng này khiến nhiều tỉnh, nông dân bỏ ruộng, cấy chay, thu nhập sản xuất nông nghiệp thấp, lợi nhuận chưa đạt đến 30%...
Ông Phan Văn Tâm-Giám đốc Marketing Công ty CP phân bón Bình Điền cho hay, đa số phân bón kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường là phân NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh… vì các loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn.
Chủ động ngăn ngừa
Trước vấn nạn phân bón giả, lực lượng cảnh sát kinh tế đã tích cực chủ động nhiều biện pháp phòng chống. Ông Nguyễn Ngọc Thể - Cục trưởng Cục an ninh (Bộ Công an) cho biết, để tăng cường công tác phòng ngừa đâu tranh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp về chống sản xuất kinh doanh phân bón giả Cục cảnh sát kinh tế đã phối hợp cùng Hiệp hội phân bón, Cục trồng trọt, Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất ký thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng chống vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón. Đồng thời chủ động nắm tình hình, phát hiện và đấu tranh với các đối tượng chuyên sản xuất phân bón giả.
Về phía DN, Công ty phân bón Bình Điền đã chủ động tự vệ bằng việc đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, hướng đến gia tăng hiệu quả sử dụng, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sản phẩm tại các đại lý có tên tuổi.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dũng-TGĐ Công ty CP vật tư nông sản (Apromaco) cho biết, để giúp người mua phân biệt được sản phẩm Apromaco với các sản phẩm khác, công ty đã chủ động ghi rõ các chỉ tiêu hàm lượng cụ thể, tên đơn vị sản xuất, cảnh báo an toàn… trên bao bì.