Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
192 người đã bình chọn
782 người đang online

Các cam kết từ EVFTA: Động lực đẩy nhanh chuyển đổi số cho Việt Nam

Đăng ngày 11 - 10 - 2024
100%

Việc thực thi các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được cho nền tảng để thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam, tạo động lực và khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp và khu vực công tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số.

Chiến lược số hóa và Thỏa thuận xanh châu Âu: Hướng tới tương lai bền vững

Chiến lược số hóa của Liên minh châu Âu (EU) đặt niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh biến đổi của công nghệ trong việc đạt được các mục tiêu đầy tham vọng được nêu trong Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD). Là một lộ trình toàn diện và dài hạn, EGD vạch ra cam kết của EU trong việc chống biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, các chính sách xanh của EU bao gồm nhiều lĩnh vực, bao gồm hành động về khí hậu, bảo vệ môi trường, quản trị đại dương và nông nghiệp bền vững.

Ở cấp độ toàn cầu, EU đặt mục tiêu trở thành hình mẫu cho nền kinh tế kỹ thuật số bằng cách phát triển và thúc đẩy các tiêu chuẩn kỹ thuật số của thế giới; đồng thời, tích cực hỗ trợ các nền kinh tế khác trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Các vấn đề kỹ thuật số đã trở thành một trụ cột trong chính sách thương mại của EU. Tất cả các hiệp định thương mại song phương lớn, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), đều đề cập đến các khía cạnh khác nhau của chuyển đổi kỹ thuật số. EU cũng hợp tác với các quốc gia và đối tác trên thế giới, bao gồm Việt Nam, để đảm bảo rằng tất cả các bên sẽ chuyển đổi từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng vào các yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số và các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất.

Về bản chất, chiến lược số hóa của EU và EGD không chỉ là hai nỗ lực song song mà còn hỗ trợ lẫn nhau trong mục tiêu hướng tới tương lai phát triển bền vững của châu Âu. Công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò then chốt trong việc giảm phát thải carbon trong các ngành công nghiệp, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và thúc đẩy đổi mới hướng đến các giải pháp thân thiện với môi trường. Bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ và áp dụng các thực tiễn bền vững, EU và các đối tác của mình có thể mở đường cho một tương lai xanh hơn, thịnh vượng hơn và tiến bộ hơn về công nghệ cho tất cả mọi người.

EU sẽ tăng cường đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số trong những năm tới, tiêu biểu là Chương trình châu Âu kỹ thuật số (Digital Europe Program) cho giai đoạn 2021-2027 với ngân sách 700 triệu euro, kỳ vọng sẽ phát triển nguồn nhân nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật số trên khắp châu Âu.

EVFTA và các cam kết liên quan đến chuyển đổi số

EVFTA dành riêng Chương 8 để thảo luận về tự do hóa đầu tư, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử. Trong đó, Mục F tập trung vào các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử: “Các Bên ghi nhận rằng thương mại điện tử làm gia tăng cơ hội thương mại trong nhiều lĩnh vực, sẽ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử giữa các Bên, cụ thể là thông qua việc hợp tác đối với các nội dung về thương mại điện tử theo các quy định của Chương này”. Điểm nổi bật là việc cam kết của các bên không áp dụng thuế hải quan đối với các giao dịch điện tử.

EVFTA cũng đề ra yêu cầu Việt Nam và EU cần duy trì đối thoại thường xuyên về các quy định và vấn đề pháp lý liên quan đến thương mại điện tử để giải quyết các vấn đề quan trọng. Theo đó, các bên sẽ công nhận lẫn nhau các chứng thực chữ ký điện tử. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho các dịch vụ chứng thực qua biên giới, hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử xuyên quốc gia. Về xác định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian, các quy định sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc truyền dẫn hoặc lưu trữ thông tin trên môi trường thương mại điện tử. Các quy định về các hình thức liên lạc trong thương mại điện tử tự nguyện sẽ đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử. Về nội dung bảo vệ người tiêu dùng, các quy định sẽ tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi và thông tin của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến. Về giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến thương mại điện tử, kênh đối thoại sẽ giúp hai bên thảo luận và giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đối thoại về các vấn đề này có thể được thực hiện thông qua việc trao đổi thông tin về quy định và pháp luật trong nước của mỗi bên, cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực thi. Được thành lập theo Điều 17.2 của EVFTA, Ủy ban Đầu tư, Thương mại dịch vụ, Thương mại điện tử và Mua sắm công sẽ đóng vai trò chủ trì trong việc thực thi các cam kết về thương mại điện tử, đảm bảo tiến trình hợp tác diễn ra hiệu quả và thuận lợi.

Nhìn chung, các cam kết về thương mại điện tử trong EVFTA thể hiện mong muốn của Việt Nam và EU trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia vào thị trường thương mại điện tử rộng mở, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tác động của EVFTA đến quá trình chuyển đổi số của Việt Nam

EVFTA sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về chuyển đổi số, cụ thể là "thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử giữa EU và Việt Nam". Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua đối thoại thường xuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến thương mại điện tử, theo quy định của EVFTA, bao gồm các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và số hóa. Các tiêu chuẩn, chính sách và khuôn khổ pháp lý liên quan đến thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ được nâng cấp từng bước, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số quốc gia đang được triển khai trong những năm qua.

Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam và EU tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA, nhiều quy định liên quan đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam đã và đang được cải cách. Điển hình là việc ban hành các quy định về chứng nhận xuất xứ hoặc truy xuất nguồn gốc điện tử, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong nước.

EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. EVFTA cùng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA) đã góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2,450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ euro trong năm 2023. Bên cạnh đó, EU hiện là đối tác kinh tế rất quan trọng của Việt Nam, là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ vào tháng 1/2024

Trong chuyến công tác châu Âu vào tháng 1/2024 tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã định vị Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho giới đầu tư công nghệ cao. Hơn 30 hoạt động và các tọa đàm về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghiệp ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái do Thủ tướng chủ trì trong hai ngày làm việc tại WEF Davos 2024 cho thấy Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm đầu tư vào các ngành này. Ông Leif Dustin Schineider - Phó Chủ tịch Tiểu ban pháp luật (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - Eurocham) nhận định: "Châu Âu vốn rất nổi tiếng với lĩnh vực ô tô, chip bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo. Do đó, Việt Nam và EU hoàn toàn có thể trở thành đối tác để phát triển những ngành này trong tương lai". Đại diện của Eurocham cho rằng việc hợp tác với các đối tác EU sẽ giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm mới của ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực Đông Nam Á. "Điều này càng có ý nghĩa hơn khi các nước EU đang nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế hàng đầu khác ở châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn và ô tô. Với những điều kiện trên, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của EU, vì Việt Nam có thể đáp ứng những mảnh ghép còn thiếu cho bài toán kinh tế hiện tại của châu Âu" - ông Leif Schneider khẳng định.

Bên cạnh đó, đầu tư FDI từ châu Âu sẽ tác động tích cực và lâu dài đến quá trình chuyển đổi số quốc gia. Các nhà đầu tư châu Âu hàng đầu châu Âu như Ericsson, ABB, Bosch… đang đóng góp lớn vào việc chuyển giao kiến thức, đổi mới, phát triển công nghệ và thúc đẩy tiến trình số hóa tại Việt Nam. Nhờ chính sách ưu đãi đầu tư, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về các giải pháp số hóa và chuyển đổi số. Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi từ kiến thức, công nghệ và bí quyết chuyên môn mà các nhà đầu tư châu Âu mang lại. Có thể kể tới trường hợp của Ericsson và Nokia với công nghệ 5G tiên tiến đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để triển khai và phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới. Hơn nữa, thông qua quá trình hợp tác với các công ty FDI châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi và nâng cao kỹ năng quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý chất lượng.

Được thúc đẩy bởi tiềm năng to lớn từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp và chuyển đổi kỹ thuật sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu. Để đạt được các yêu cầu tiêu chuẩn châu Âu, các nhà sản xuất Việt Nam cần áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tối ưu hóa quy trình hoạt động hiện tại, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Một trong những thách thức chính mà EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam là chứng minh xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm xuất khẩu sang EU. Theo quy định của EVFTA, nhà xuất khẩu Việt Nam cần thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ theo phương thức điện tử (giấy chứng nhận EUR.1) và cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan theo yêu cầu. Nhằm giải quyết thách thức này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ blockchain, vào hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản. Trong những năm qua, nhiều trang trại và doanh nghiệp chế biến nông sản tại các khu vực Duyên hải, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc đã áp dụng thành công công nghệ số vào hệ thống truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến. Nhờ vậy, họ đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường EU và xuất khẩu sản phẩm thành công sang thị trường này. Đây là những ví dụ điển hình cho thấy tiềm năng và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Lợi ích này sẽ ngày càng được nhân rộng ra nhiều địa phương và lĩnh vực khác trong thời gian tới.

Nhu cầu ngày càng cao từ các nhà nhập khẩu và người mua châu Âu về tiêu chuẩn lao động, môi trường, và tiêu chuẩn kỹ thuật buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao hiệu quả hoạt động, thích ứng với môi trường kinh doanh số. Để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm, liên quan tới nội dung tối ưu hóa hoạt động giao nhận và thanh toán, hợp đồng điện tử và hoạt động hậu mãi số. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong việc tuân thủ các phong tục và văn hóa trên nền tảng số của người mua châu Âu. Việc áp dụng các quy định về giao dịch điện tử cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa để tạo môi trường kinh doanh số minh bạch và an toàn.

Ngoài ra, sự tác động của EVFTA không chỉ giới hạn trong khu vực doanh nghiệp mà còn lan rộng sang khu vực công, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quản trị nhà nước tại Việt Nam. Một chính phủ hiệu quả phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo xây dựng một hệ thống quản trị mạnh mẽ và phát huy tối đa vai trò của công nghệ thông tin thông qua chuyển đổi số và các dịch vụ chính phủ điện tử. Trong những năm tới, người dân có thể mong đợi những biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ từ phía Chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh nỗ lực số hóa các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, và trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại, đầu tư, hải quan và các lĩnh vực khác.

<

Tin mới nhất

Việt Nam sẵn sàng tham gia tích cực vào các sáng kiến toàn cầu về công nghệ số và AI(08/01/2025 8:40 SA)

Thủ tướng phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng...(08/01/2025 8:37 SA)

An toàn thông tin - Yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số(08/01/2025 8:35 SA)

Bộ Công Thương đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến(08/01/2025 8:32 SA)

Trục Phát triển Hợp đồng điện tử Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam –...(08/01/2025 8:30 SA)

Phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số(22/11/2024 9:33 SA)

Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân...(20/11/2024 8:24 SA)

Lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số(01/11/2024 1:44 CH)

°