Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
180 người đã bình chọn
3121 người đang online

Định vị hàng hóa xứ Thanh trên thị trường (Bài 2): Những bước chinh phục ấn tượng

Đăng ngày 15 - 08 - 2024
100%

Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng các đề án phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Qua đó, góp phần từng bước vào chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế.

Sản xuất tất xuất khẩu tại Nhà máy sản xuất tất và áo lót cao cấp (thuộc Công ty TNHH Jasan Việt Nam), xã Định Liên (Yên Định). Ảnh: Khánh Phương

Khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế

Tiên phong trong xây dựng chuỗi từ sản xuất đến chế biến các sản phẩm nông nghiệp, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác với nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Cụ thể, sản phẩm đường của Lasuco đã đạt chứng nhận Halal – một chứng nhận bắt buộc khi muốn xuất khẩu các mặt hàng sang các nước Hồi giáo vốn là một thị trường khó tính nhưng lại đầy tiềm năng khi chiếm tới 1⁄4 dân số thế giới. Đến nay, các sản phẩm mía đường xuất khẩu sang thị trường này của Lasuco chiếm tới 40% tổng sản lượng xuất khẩu, trong đó, riêng sản phẩm đường phèn mỗi tháng có khoảng 30 tấn. Đặc biệt, từ năm 2020, sau khi ra mắt các sản phẩm dinh dưỡng xanh Lavina food như: sữa gạo lứt giàu protein - Ojita, sữa gạo lứt đậu đỏ - Ojita, nước dinh dưỡng tế bào mía

Mitaji; nước mía tươi MiATA vị tắc..., thị trường quốc tế của Lasuco ngày càng được mở rộng. Hiện có không ít doanh nghiệp ở các nước, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan, Mỹ, Đức, Hà Lan... đã hợp đồng hợp tác với công ty. Doanh thu xuất khẩu của Lasuco những năm gần đây đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm.

Trong cơ cấu các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, cùng với các sản phẩm truyền thống như: xi măng, đá, dăm gỗ, đường, thuốc lá, thủy sản, may mặc, giày dép... thị trường đã bắt đầu ghi nhận những sản phẩm chế biến sâu và giá trị gia tăng cao như: thép, bia, lưu huỳnh dạng hạt, benzen, p-xylen...

Là một trong những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, những năm qua, Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước vươn mình ra các thị trường khó tính. Có thể kể đến, từ cuối năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công nhiều lô hàng bia lon Thabrew sang thị trường Liên bang Nga. Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa, cho biết: Việc xuất khẩu thành công các lô hàng bia lon Thabrew là nhờ đơn vị đã đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến vào quá trình sản xuất. Đồng thời, sản phẩm được sản xuất với hương vị đặc trưng riêng từ nguyên liệu kết hợp giữa hoa bia và Malt đại mạch nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu. Các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9000 - tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng, ISO 14000 - tiêu chuẩn về quản lý môi trường, ISO 22000- tiêu chuẩn về quản lý an toàn thực phẩm cũng đã được công ty hoàn thiện, đáp ứng các quy định khắt khe của nhiều thị trường khó tính. Hiện, đối tác thương mại Nga đã ký hợp đồng độc quyền phân phối 2 dòng sản phẩm bia lon Thanh Hoa và bia lon Thabrew với sản lượng 1 container/tháng trong năm 2024 và từ năm 2025 sản lượng sẽ tăng gấp 2 lần.

Cùng với thị trường Nga, công ty cũng đang xúc tiến để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Mỹ. Bên cạnh áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa cũng tích cực xây dựng nhiều chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục giữ vững thị trường, đưa thương hiệu nhãn bia Thanh Hoa và bia lon Thabrew ra thế giới.

Một dấu ấn đối với lĩnh vực sản xuất nông sản xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua được thị trường ghi nhận đó là việc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn tạo, trồng thử nghiệm giống vải không hạt trên địa bàn huyện Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30ha tại xã Nguyệt Ấn, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Sản phẩm Vải Ngọc không hạt này được thị trường đánh giá cao về chất lượng và đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Điều này đã thể hiện dấu ấn, chứng tỏ được sự tiến bộ vượt bậc của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản của tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất Global GAP.

Tạo niềm tin về tiềm năng, lợi thế

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 53 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị. Các lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh như dệt may, da giày, sản phẩm công nghiệp, nông, lâm, thủy sản, khoáng sản... Trong đó, có 36 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, gồm: 6 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản, 2 doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn, 4 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, 4 doanh nghiệp xuất khẩu quại cói, hộp cói, khay cói, 2 doanh nghiệp xuất khẩu thịt súc sản, 18 doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: tinh bột sắn, dưa chuột đóng hộp, dứa đóng hộp, bột cá, ngao đông lạnh, chả cá surimi... Cùng với đó, việc bảo hộ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cũng được các sở, ngành, địa phương quan tâm. Theo đó, tính đến đầu tháng 8/2024, toàn tỉnh có hơn 400 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bao gồm đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp sáng chế. Ngoài ra, còn có hàng chục sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trong đó, có 4 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh địa phương, gồm mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn Thọ Xuân, quế ngọc Thường Xuân; 23 sản phẩm được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, tơ Hồng Đô, nón lá Trường Giang, bánh gai Tứ Trụ, kẹo nhãn Lang Chánh, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái...; hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.

Công nhân Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa trong dây chuyền sản xuất sản phẩm bia lon Thabrew.

Để các sản phẩm chủ lực của Thanh Hóa chinh phục được các thị trường “khó tính”, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như: Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng triển khai các hoạt động kết nối giao thương, đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại; đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX với các hệ thống phân phối lớn trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ngành công thương cũng tập trung tuyên truyền về các Hiệp định FTA thế hệ mới nhằm giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng tối đa hiệu quả các lợi thế, các cơ hội từ các hiệp định này gắn với lợi thế của tỉnh để mở rộng đầu tư, đa đạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến một cách chuyên sâu, theo từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể.

Theo thống kê của Chi cục Hải quan Thanh Hóa, 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 3 tỷ USD, với các sản phẩm chủ lực là: Ván ép, ván sàn, dăm gỗ, giày dép, quần áo; tinh bột sắn, ngao, bột cá, chả cá surimi, rau củ quả đóng hộp, lợn sữa cấp đông... Đặc biệt, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, trong đó, trọng điểm là thị trường các nước EU, ASEAN và các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ... Việc xuất khẩu thành công các sản phẩm chủ lực chất lượng cao của Thanh Hóa sang các thị trường “khó tính” trên không chỉ góp phần tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng có chất lượng cao hiệu quả, mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới, tạo niềm tin về tiềm năng, lợi thế. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của Thanh Hóa đối với thị trường trong nước; từng bước đặt mục tiêu xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Bài cuối: Kết nối, kỳ vọng đưa sản phẩm xứ Thanh “cất cánh”.

<

Tin mới nhất

Phát triển công nghiệp hỗ trợ điện tử để thu hút dòng vốn FDI(21/10/2024 11:10 SA)

Thanh Hoá: Nỗ lực phát triển kinh tế biên mậu trước nhiều khó khăn, thách thức(21/10/2024 11:05 SA)

Định vị hàng hóa xứ Thanh trên thị trường (Bài 2): Những bước chinh phục ấn tượng(15/08/2024 10:50 SA)

Công bố DDCI Thanh Hóa năm 2023, Sở Công Thương là đơn vị đứng đầu khối sở, ngành.(22/05/2024 12:12 CH)

Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan hỗ trợ kinh doanh Pháp(08/05/2024 8:54 SA)

Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo(08/05/2024 8:52 SA)

Phụ tải tăng kỷ lục, tình hình cung ứng điện vẫn tiếp tục được đảm bảo(08/05/2024 8:49 SA)

Đảm bảo an toàn lao động trên toàn tuyến thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3(08/05/2024 7:17 SA)

°