Năm 2013, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung chủ yếu vào các loại hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước. Trong khi đó, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn với phương thức thủ đoạn tinh vi và được tổ chức chặt chẽ từ sản xuất đến phân phối, v.v…
Trước tình hình trên, lực lượng QLTT cả nước đã tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề, từng bước ngăn chặn việc buôn lậu, gian lận thương mại.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị
Theo ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục QLTT, năm 2013, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 161.239 vụ, xử lý 84.493 vụ vi phạm với tổng thu ngân sách 328,97 tỷ đồng. Điểm nổi bật trong công tác kiểm tra, xử lý năm 2013 là sự phối hợp của Cục QLTT với các Chi cục, các lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm nổi cộm trên thị trường như xăng dầu, nhập lậu gia cầm trái phép, mũ bảo hiểm, phân bón, thuốc lá, v.v… Điển hình là vụ xác minh làm rõ nguồn gốc, xuất xứ lô hàng trên 400 tấn nguyên liệu thuốc lá của Công ty TNHH Sao Vàng tại Đồng Nai, tịch thu 85 tấn; phối hợp với Chi cục QLTT và Công an TP HCM phát hiện, bắt giữ trên 6.000 gói thuốc lá nhập lậu; chủ trì, tham gia 05 đoàn công tác liên ngành trực tiếp kiểm tra về kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng, phát hiện 39 vụ vi phạm và chuyển cho các lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 800 triệu đồng.
Đối với Đề án phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, qua 01 năm thực hiện, đã xử lý 1.853 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng. Đến nay, tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm trái phép đã đã từng bước được kiểm soát.
Còn bị động trong dự báo tình hình thị trường
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2013, công tác QLTT vẫn còn những tồn tại chưa được khắc phục. Theo ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục QLTT, nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu tuy đã được nâng lên song có lúc, có nơi chưa quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương nên việc chỉ đạo, phối hợp chưa đồng bộ và thống nhất thường xuyên, dẫn tới hiệu quả công tác chưa cao (cá biệt, tại miền Trung, khi Chi cục QLTT đề nghị phối hợp kiểm tra chất lượng phân bón nhưng không được đáp ứng).
Ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục QLTT
Bên cạnh đó, công tác thông tin dự báo tình hình thị trường nhiều lúc còn bị động khiến tác dụng hỗ trợ cho chỉ đạo, điều hành kiểm tra, kiểm soát thị trường hạn chế. Đặc biệt, trong lĩnh vực hàng giả việc nắm thông tin và dự báo chuyên sâu còn yếu và thiếu cả về đầu nối và chất lượng thông tin, dẫn tới việc chỉ đạo xử lý khi vi phạm đã xảy ra trên diện rộng.
Mặt khác, công tác phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các Chi cục QLTT tại những địa bàn liên tuyến còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ; việc chia sẻ thông tin chưa chủ động kịp thời; việc kiểm tra đôi lúc chỉ tập trung ở một số tuyến, một số mặt hàng do vậy các tuyến còn lại bị bỏ ngỏ, dễ bị các đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật.
Chia sẻ vấn đề này, đại diện Chi cục QLTT Quảng Ninh cho biết, chính quyền địa phương tuyến trong nói chung, khu vực biên giới, cửa khẩu nói riêng chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ, đồng bộ, dẫn tới khó khăn trong kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, việc xử lý hàng vi phạm mỗi địa phương một kiểu.
Làm rõ trách nhiệm của QLTT trong việc phối hợp với các đơn vị
Năm 2014, Cục QLTT vẫn tập trung kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội như xăng dầu, khí hóa lỏng lưu thông trên thị trường; vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; vi phạm về sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, v.v…
Bên cạnh đó, so sánh và phân tích sự khác biệt so với cùng kỳ để tìm ra những mặt hàng mới, nguyên nhân của sự gia tăng, suy giảm đối với những mặt hàng đó, đặc biệt tập trung vào những địa bàn biên giới, địa bàn nóng. Làm rõ phương thức, thủ đoạn của từng đối tượng đối tượng cụ thể với từng loại hàng, từng tuyến; xác định các vướng mắc phát sinh và đề ra giải pháp khắc phục trong quá trình kiểm tra kiểm soát, v.v...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải biểu dương những kết quả đạt được trong năm 2013 của lực lượng QLTT. Những thành tích trên là sự kết nối nỗ lực của nhiều thế hệ những người làm công tác QLTT trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trước tình trạng buôn lậu, hàng gian, hàng giả vẫn còn phổ biến, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu lực lượng QLTT cần phải làm rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp công tác với các Bộ ngành liên quan.
Để làm được điều này, trong năm 2014, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu Cục QLTT cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, cần tăng cường xử lý, kiểm tra kiểm soát thị trường thông qua việc tổ chức hoạt động kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề. Mặt khác, Cục QLTT cần xây dựng chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu và tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Ở địa phương, lực lượng QLTT cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan để hoạt động được thông suốt.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác QLTT năm 2013.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ Công Thương