Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
192 người đã bình chọn
1463 người đang online

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ XUẤT NHẬP KHẨU NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Đăng ngày 25 - 05 - 2023
100%

“Với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các biện pháp cụ thể cần được triển khai và thực hiện một cách có hiệu quả...”

Nền kinh tế toàn cầu đang tiếp tục phục hồi từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đối với các quốc gia và doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, việc phát triển sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu là một trong những cách quan trọng để tăng cường năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các biện pháp cụ thể cần được triển khai và thực hiện một cách có hiệu quả. Vì vậy, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp sẽ giúp tỉnh Thanh Hóa khai thác tối đa tiềm năng của mình, tăng cường năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tỉnh năm 2022 tiếp tục phục hồi và tăng trường tốt nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai có hiệu quả và phát huy tác dụng; các doanh nghiệp chủ động, thích ứng linh hoạt và tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hầu hết các sản phẩm chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch sản xuất đặt ra từ đầu năm, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,31% so với năm 2021, VACN tăng 17,88%, tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng GRDP toàn tỉnh 12,51% vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%). Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,22% so với cùng kỳ, tình hình sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định, các doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, tích cực khắc phục khó khăn về nguyên liệu đầu vào, tìm kiếm mở rộng thì trường đầu ra trong bối cảnh hết sức khó khăn của kinh tế trong và ngoài nước. Một số sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: Nhóm hàng vật liệu xây dựng (gạch xây, đá ốp lát, xi măng, clinker tiêu thụ...); nhóm sản phẩm tiêu dùng (dầu thực vật, bia, thuốc lá, thủy sản chế biến…). Đối với nhóm sản phẩm may mặc, giày da có dấu hiệu phục hồi và tăng nhẹ, nguồn nguyên liệu đầu vào đủ để cung cấp cho các nhà máy, sản phẩm sản xuất.

Phát triển công nghiệp là trụ cột của phát triển kinh tế; tỉnh Thanh Hóa xác định việc phát triển đồng bộ hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, các Khu công nghiệp và hệ thống các CCN, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án sản xuất công nghiệp và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là hết sức cần thiết. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được UBND tỉnh thành lập 44 CCN với tổng diện tích 1.642,96 ha, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.654,36 tỷ đồng, luỹ  kế vốn đầu tư đến nay là 1.796 tỷ đồng, trong đó, có 02 CCN đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng toàn bộ CCN, 06 CCN đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, đang thu hút các dự án thứ cấp đầu tư vào CCN; còn lại các CCN đang được thực hiện đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 42 CCN đang hoạt động, với 292 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong CCN, tổng diện tích thuê đất 1.337 ha, tạo việc làm cho 56.821 lao động.

Gắn liền với phát triển sản xuất kinh doanh là hoạt động xuất nhập khẩu – một trong những thế mạnh của tỉnh ta.

Về xuất khẩu: Mặc dù gặp khó khăn cả đối với sản phẩm đầu ra và nguyên liệu đầu vào, tuy nhiên, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu nhiều giải pháp để khơi thông thị trường, ổn định sản xuất; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển thị trường và khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA (UKVFTA, EVFTA, CPTPP và RCEP), tham mưu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc; hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thực hiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp, đăng ký cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn so với cùng kỳ, một số thị trường lớn như Mỹ, các nước EU, Nga đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như hàng may mặc, giầy dép, nông sản đóng hộp…vẫn đang trên đà sụt giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hoá do bất ổn chính trị, lạm phát, thiếu việc làm… Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 5.518,5 triệu USD, bằng 96,8% kế hoạch, tăng 1,6% so với CK. Tuy nhiên, nếu tính cả xuất khẩu dịch vụ và doanh thu ngoại tệ như các năm trước đây thì dự kiến kết quả giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ năm 2022 ước đạt 5.707,95 triệu USD bằng 100,14% kế hoạch (trong đó dịch vụ thu ngoại tệ và hàng phục vụ xuất khẩu là 189,5 triệu USD); 4 tháng năm 2023 ước đạt 1.401 triệu USD, vẫn giữ được kim ngạch bằng 85,8% so với cùng kì và bằng 25,5% so với kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch ước đạt 1.386,53 triệu USD bằng 85,9% so với cùng kỳ và bằng 25,5 so với kế hoạch năm. Xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp ngoài tỉnh ước đạt 14,47 triệu USD bằng 81,5% so với cùng kì và bằng 23,3% kế hoạch năm.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: may mặc, giầy ép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng…. Hiện tại, toàn tỉnh có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 53 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng có thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu tham gia xuất khẩu. 

Về nhập khẩu: Giá trị nhập khẩu cả năm 2022 đạt 9.272 triệu USD tăng 30,1% so với cùng kỳ; 4 tháng năm 2023 ước đạt 2.644,32 triệu USD tăng 2,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược; dầu thô; nguyên, phụ liệu hàng may mặc; nguyên, phụ liệu giầy dép; máy móc thiết bị,…

Hiện nay, Việt Nam đã và đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, đối tác trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa mở rộng thị trường, khai thác các ưu đãi, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đặc biệt trong thời gian 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã tham gia vào nhiều FTA thế hệ mới với quy mô lớn trên thế giới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… giúp mở ra cánh cửa vào các thị trường rộng lớn chưa từng có cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cơ hội quý giá cho xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh đã và đang tận dụng có hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để khai thác, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước Việt Nam có ký FTA tăng trưởng mạnh theo từng năm, nhất là các nước thành viên CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Tuy nhiên, Việt Nam thực hiện các FTA trong vị thế là thành viên có trình độ phát triển thấp hơn so với đa số các nước thành viên khác, vì vậy, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng chịu sức ép mở cửa thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các hàng rào kỹ thuật thương mại, như: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn... nhất là đối với lĩnh vực dệt may và nông sản, thủy sản. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khá lớn, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; tính chủ động của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao; chất lượng nông sản, thủy sản chưa bảo đảm nên năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp; công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai trên diện rộng. Đặc biệt, các nhóm ngành thế mạnh như dệt may, da giày dự kiến có thể đạt mục tiêu xuất khẩu sớm hơn dự kiến và từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch.

Vậy, để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023 trên địa bàn tỉnh, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định. Tập trung rà soát, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp phát huy hết năng lực, công suất để sản xuất các sản phẩm, hàng hoá có lợi thế như: xăng, dầu, xi măng, vật liệu xây dựng, điện sản xuất, quần áo may sẵn, giầy thể thao xuất khẩu, đường, tinh bột sắn,...

Thứ hai, triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công, nhằm khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề trong nông thôn bằng nguồn vốn khuyến công của Trung ương và địa phương, tận dụng nguồn lao động và nguyên liệu tại chỗ gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp theo định hướng hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, dần hình thành các mô hình sản xuất khu vực nông thôn theo dạng chuỗi. Đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại.

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa vào các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, EAEUFTA…

Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động giao thương quốc tế trên môi trường mạng.

Nhu cầu mua sắm vào dịp cuối năm là cơ hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu một số mặt hàng tỉnh ta có thế mạnh như: dệt may, da giày, hoa quả đóng hộp, chế biến thuỷ, hải sản,... Do đó, các doanh nghiệp trong tỉnh cần tận dụng cơ hội của thị trường trong vài tháng cuối năm để bù đắp hao hụt về xuất khẩu trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch; khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đàm phán để xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển./.

<

Tin mới nhất

Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo(08/05/2024 8:52 SA)

Kiểm tra tình hình xuất, nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu phụ Khẹo (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân,...(16/11/2023 11:09 SA)

Thanh Hóa: Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu với nước bạn Lào ngày càng khởi sắc(13/09/2023 2:06 CH)

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ XUẤT NHẬP KHẨU NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA(25/05/2023 8:02 SA)

Việt Nam xuất siêu 9,4 tỷ USD trong 10 tháng 2022(04/11/2022 10:47 SA)

(28/01/2021 10:40 SA)

Triển khai thực hiện Nghị Quyết số 14/2018/NQ-CP ngày 23/01/2018(15/08/2018 9:05 SA)

Thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam–Campuchia–Lào(16/12/2013 10:03 SA)

°