Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
192 người đã bình chọn
1237 người đang online

Thanh Hóa: Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu với nước bạn Lào ngày càng khởi sắc

Đăng ngày 13 - 09 - 2023
100%

Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những khởi sắc trong hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.

Sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động thương mại qua các cửa khẩu với nước bạn Lào đã chính thức khôi phục toàn diện các hoạt động xuất, nhập cảnh. Ông có thể chia sẻ những kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Thanh Hóa?

Tỉnh Thanh Hóa có các cửa khẩu qua nước bạn Lào gồm: Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn), Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn (huyện Mường Lát), Cửa khẩu phụ Khẹo (huyện Thường Xuân). Hoạt động xuất nhập khẩu với nước bạn Lào qua cửa khẩu chủ yếu là hoạt động buôn bán thương mại của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hai tỉnh Thanh Hoá - Hủa Phăn, doanh nghiệp các tỉnh khác rất hạn chế; tập trung chủ yếu vào các hoạt động xuất kinh doanh, nhập kinh doanh, tạm nhập tái xuất và tiểu ngạch.

Thanh Hóa: Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với nước Lào ngày càng khởi sắc
Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với nước Lào ngày càng khởi sắc.

 

 

Từ tháng 04/2020 đến hết năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ Lào đã ra các thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua lại biên giới đối với các cửa khẩu chính, phụ, lối mở biên giới nên hoạt động thương mại biên giới, xuất khẩu tiểu ngạch không diễn ra. Do đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ ngày 01/01/2021 tính đến ngày 30/11/2021 đạt 26.600.183USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 21.829.104 USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 4.771.079 USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như, vật liệu xây dựng: sắt xây dựng, xi măng, tấm lợp, gạch lát nền...; hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất, xăng dầu, gas, máy móc, thiết bị, phương tiện tạm xuất - tái nhập thi công công trình, thuộc các dự án đầu tư. Mặt hàng nhập khẩu như: Quặng sắt, quặng kẽm, gỗ các loại, hàng nông, lâm, sản.

Sang năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới dần ổn định và có sự tăng trưởng. Cụ thể, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu: 267.139.143 USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu: 262.615.549 USD, tăng 1.103 % so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu: 4.523.594 USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là vật liệu xây dựng như: sắt xây dựng, xi măng, tấm lợp, gạch lát nền...;hàng tiêu dùng như: xăng dầu, gas, máy móc, thiết bị, phương tiện tạm xuất - tái nhập phục vụ thi công công trình thuộc các dự án đầu tư; các mặt hàng nhập khẩu như, gỗ các loại, hàng nông, lâm, sản.

Thanh Hóa: Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với nước Lào ngày càng khởi sắc
Cửa khẩu Na Mèo huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là nơi kết nối giao thương văn hóa, buôn bán giữa người dân hai tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) và Hủa Phăn (Lào).

 

Trong những tháng đầu năm 2023, tính đến ngày 31/5/2023, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu khu vực cửa khẩu biên giới đạt 15.216.667 USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 11.345.222 USD (giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái); kim ngạch nhập khẩu: 3.871.445 USD (tăng 50,9% so với cùng kỳ năm ngoái).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, đặc biệt trong khoảng thời gian sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Sở Công Thương Thanh Hóa đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu với nước bạn Lào, đầu năm 2023, Sở Công Thương Thanh Hóa – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới tỉnh Thanh Hóa tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19; cải cách thủ tục hành chính, giảm về thời gian, ngắn gọn về thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thông quan nhanh chóng; đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân hai nước, cũng như nước thứ ba trong hoạt động thương mại biên giới.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thanh Hóa cùng các Sở, ngành, UBND các huyện biên giới và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các Hiệp định Việt Nam - Lào đã cùng ký kết, các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định, các quy định pháp luật của Việt Nam và Lào liên quan đến hoạt động thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan của Việt Nam và Lào; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn; thực hiện niêm yết danh mục các hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng tại các cửa khẩu, lối mở biên giới; niêm yết công khai, kết hợp tuyên truyền chế độ, chính sách mới ban hành, đặc biệt là các văn bản mới có hiệu lực hướng dẫn thi hành Luật Hải quan, cũng như các Luật khác có liên quan và các Điều ước quốc tế về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân biết và thực hiện.

Thanh Hóa: Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với nước Lào ngày càng khởi sắc
Một góc hình ảnh chợ biên giới cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn.

 

Chủ động phối hợp, tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới, góp phần cải thiện đời sống của cư dân biên giới, nâng cao chất lượng hoạt động thương mại biên giới. Đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng cho 16 xã biên giới, đặc biệt là đối với hạ tầng khu vực cửa khẩu nhằm từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực biên giới...

Những năm qua, hạ tầng giao thông biên giới với nước bạn Lào đã được tỉnh đầu tư ra sao để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá?

Thực hiện Kế hoạch năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5617/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 về giao kế hoạch chi tiết cho các chương trình, dự án từ nguồn vốn đầu tư công năm 2021 do tỉnh quản lý; trong đó, có bao gồm các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thương mại biên giới trên địa bàn 16 xã thuộc 05 huyện biên giới của tỉnh. Tổng số vốn được giao kế hoạch năm 2021 từ nguồn ngân sách nhà nước được phân bố cho khu vực các xã biên giới là 46.500 triệu đồng. Kết quả, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 02 tuyến đường với tổng chiều dài 27km, tỷ lệ giải ngân đạt 100% vốn được giao. Nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí 7.500 triệu đồng, thực hiện đầu tư dự án giao thông Hệ thống đường giao thông xã Mường Chanh, huyện Mường Lát với số tiền 7.500 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.

Năm 2022, thực hiện Quyết định số 5425/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh về giao kế hoạch chi tiết vốn đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án; các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thương mại biên giới trên địa bàn 16 xã, thuộc 5 huyện biên giới của tỉnh đã được phân bổ 52.171 triệu đồng. Tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và cửa khẩu Tén Tằn chưa có cơ quan, doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ kho bãi, do đó không có địa điểm để tập kết hàng hóa và cũng không có phương tiện xếp dỡ hàng hóa.

Thanh Hóa: Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với nước Lào ngày càng khởi sắc
Hạ tầng thương mại ở các cửa khẩu của tỉnh Thanh Hóa được đầu tư giúp người dân hai tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) và Hủa Phăn (Lào) giao thương buôn bán, thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị.

 

Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4662/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 về giao kế hoạch chi tiết vốn đầu tư công năm 2023 cho các chương trình, dự án; trong đó, bao gồm các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thương mại biên giới trên địa bàn 16 xã thuộc 05 huyện biên giới của tỉnh. Tổng số vốn được giao kế hoạch năm 2023 từ nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ cho khu vực 16 xã biên giới là 68.485 triệu đồng.

Thời gian tới, Sở Công Thương Thanh Hóa sẽ triển khai những nhóm giải pháp nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Thời gian tới, Sở Công Thương Thanh Hóa - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới tỉnh Thanh Hóa tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện biên giới và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm về thời gian, ngắn gọn về thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thông quan nhanh chóng, tránh tình trạng hàng hóa bị tồn đọng tại cửa khẩu biên giới; đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước, cũng như nước thứ ba trong hoạt động thương mại biên giới.

Tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thực hiện niêm yết mục các hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu, hàng hóa không danh thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng tại các cửa khẩu, lối mở biên giới; niêm yết công khai, kết hợp tuyên truyền chế độ, chính sách mới ban hành, đặc biệt là các văn bản mới có hiệu lực hướng dẫn thi hành Luật Hải quan, các luật khác có liên quan và các Điều ước quốc tế về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân biết và thực hiện. Cụ thể hoá nhiệm vụ đã được giao trong Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo hoạt động Thương mại biên giới tỉnh Thanh Hoá; chủ động phối hợp tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới, góp phần cải thiện đời sống cư dân biên giới, nâng cao chất lượng hoạt động thương mại biên giới.

Thanh Hóa: Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với nước Lào ngày càng khởi sắc
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thu hút, kêu gọi vốn đầu tư hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng cho 16 xã biên giới trên địa bàn, đặc biệt là hạ tầng khu vực cửa khẩu.

 

Tiếp tục thu hút, kêu gọi vốn đầu tư hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng cho 16 xã biên giới trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hạ tầng khu vực cửa khẩu; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang triển khai thực hiện. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải để phục vụ tốt nhu cầu vận tải chuyển hành khách và hàng hoá, đáp ứng các yêu cầu về hoạt động xuất nhập cảnh, giao thông vận tải giữa hai nước.

Tiếp tục tăng cường công tác bảo trì các tuyến đường kết nối với cửa Khẩu; phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai dư án nâng cấp Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh. Phối hợp với Sở Giao thông công chính và vận tải tinh Hứa Phần tham mưu cho hai tỉnh xem xét sớm triển khai lập dự án đầu tư nâng cấp 02 tuyến đường trên địa bản tỉnh Hua Phăn.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Xin cảm ơn ông!

<

Tin mới nhất

Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo(08/05/2024 8:52 SA)

Kiểm tra tình hình xuất, nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu phụ Khẹo (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân,...(16/11/2023 11:09 SA)

Thanh Hóa: Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu với nước bạn Lào ngày càng khởi sắc(13/09/2023 2:06 CH)

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ XUẤT NHẬP KHẨU NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA(25/05/2023 8:02 SA)

Việt Nam xuất siêu 9,4 tỷ USD trong 10 tháng 2022(04/11/2022 10:47 SA)

(28/01/2021 10:40 SA)

Triển khai thực hiện Nghị Quyết số 14/2018/NQ-CP ngày 23/01/2018(15/08/2018 9:05 SA)

Thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam–Campuchia–Lào(16/12/2013 10:03 SA)

°