Theo dự báo, phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ tăng 2.7 lần và 4.6 lần vào các năm 2020 và 2030 so với mức phát thải năm 2010. Một trong số các biện pháp chủ yếu nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng là Thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ ngày năm 2011, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản đầy đủ và đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như:
• Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế;
• Công tác quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng tại địa phương còn yếu, sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương còn chưa chặt chẽ;
• Cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây truyền công nghệ lạc hậu bằng dây truyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn thiếu dẫn đến các doanh nghiệp không không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng.
Nhằm hỗ trợ cho Chính phủ thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển ngành năng lượng phát thải thấp ở Việt Nam thông qua hỗ trợ xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển phát thải thấp trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời thu hút đầu tư công - tư trong phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) đã tài trợ cho Bộ Công Thương thực hiện dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam” (Dự án V-LEEP) từ năm 2016 đến hết năm 2020. Trong số các mục tiêu của Dự án V-LEEP, Hợp phần 3 của dự án tập trung thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm các ngành công nghiệp, xây dựng của Việt Nam.
Với vai trò, chức năng nhiệm vụ xây dựng chính sách, quy định pháp luật, hỗ trợ thực thi và giám sát tuân thủ trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương là cơ quan được giao chủ trì triển khai Hợp phần 3 của Dự án V-LEEP.
Trong thời gian qua, Hợp phần 3 Dự án V-LEEP đã thực hiện và đạt được một số kết quả cụ thể gồm:
1. Thực hiện rà soát và lựa chọn 4 ngành trọng tâm gồm sắt thép, đệt may, xi măng và mía đường để hỗ trợ kiểm toán năng lượng nhằm xác định tiềm năng và giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp, đến nay đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng chi tiết cho 5 nhà máy sản xuất gang – thép, kiểm toán sơ bộ tại 3 nhà máy thép, 11 cơ sở sản xuất trong ngành dệt may, 2 nhà máy xi măng và 3 nhà máy mía đường.
2. Phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng Công nghệ phát thải thấp cho ngành dệt may” trong năm 2017, với sự tham dự của hơn 80 doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, nhà cung cấp và tổ chức quốc tế.
3. Phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam tổ chức 01 khoá tập huấn nâng cao năng lực Quản lý năng lượng cho doanh nghiệp công nghiệp; Phối hợp với Sở Công thương Bắc Giang tổ chức 01 khoá đào tạo cấp chứng chỉ Quản lý năng lượng; Tổ chức Hội thảo tối ưu hoá chi phí và cải thiện hiệu quả năng lượng cho hơn 50 người tham dự đến từ các doanh nghiệp công nghiệp, ESCOs, tổ chức tín dụng, hiệp hội ngành nghề, cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế.
Hội thảo tối ưu hoá chi phí và cải thiện hiệu quả năng lượng
4. Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho một số cơ quan ESCOs tại Việt Nam nhằm thúc đẩy dự án ESCO tại các doanh nghiệp công nghiệp.
5. Làm việc với cơ quan tín dụng gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để xây dựng cơ chế phối hợp nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc rà soát các đề xuất vay vốn cho dự án tiết kiệm năng lượng.
6. Phối hợp với Hiệp hội kỹ sư năng lượng (AEE) để tổ chức khoá đào tạo cấp chứng chỉ Đánh giá và Thẩm tra hiệu quả dự án tiết kiệm năng lượng (CMVP) đầu tiên tại Việt Nam. Sau khoá tập huấn, có 18 chuyên gia đã được công nhận và chứng nhận bởi tổ chức EVO có giá trị toàn cầu.
Khoá đào tạo cấp chứng chỉ CMVP
7. Nghiên cứu xây dựng Định mức năng lượng tối thiểu (MEPS) cho ngành sản xuất đường mía Việt Nam. Theo đó, dự án V-LEEP đã thực hiện nghiên cứu đánh giá thực trạng tiêu thụ năng lượng và sản xuất của ngành, thu thập dữ liệu từ 39 nhà máy, tính toán và đề xuất định mức tiêu hao năng lượng cho ngành.
Hội thảo tham vấn xây dựng MEPS ngành mía đường
8. Nghiên cứu đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo trong Khu công nghiệp. Dự án đã khảo sát 02 Khu công nghiệp, thu thập dữ liệu tại 178 doanh nghiệp công nghiệp để đưa ra một số khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nỗ lực tuân thủ quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
9. Rà soát phương pháp xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 của ngành Công thương. Trên cơ sở nghiên cứu, họp tập kinh nghiệm quốc tế sẽ đề xuất khung Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 của ngành Công Thương.
Như vậy, với sự hỗ trợ của USAID trong việc thực hiện Dự án V-LEEP tại Việt Nam, dự án sẽ góp phần cho các cơ quan quản lý nâng cao năng lực thể chế trong triển khai chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như các doanh nghiệp công nghiệp có thể huy động được nguồn lực xã hội phục vụ nhu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung, đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nói riêng.